BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐH NÔNG NGHIỆP HN
—————————
Số: 156 /QĐ-NNH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
——————————————
Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2012 |
THÔNG BÁO
Về việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú
lần thứ 12 năm 2012
Kính gửi: Các đơn vị trong trường
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
Căn cứ Thông tư số 02/2011/TT-BNV ngày 24 tháng 1 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
Căn cứ Thông tư số 07/2012/TT-BGDĐT ngày 17 tháng 2 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú;
Để đợt xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà giáo lần thứ 12 năm 2012 đạt kết quả tốt, Nhà trường hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND), Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) năm 2012 như sau:
1. Mục đích, yêu cầu
- Đây là danh hiệu vinh dự nhằm tôn vinh các nhà giáo có công lao to lớn đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước nói chung và của Nhà trường nói riêng;
- Xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT là trách nhiệm của Nhà trường đồng thời cũng là trách nhiệm của cán bộ viên chức, sinh viên, học viên toàn trường, các đơn vị thông báo rộng rãi chủ trương này tới đông đảo cán bộ, viên chức (kể cả CBVC đã nghỉ hưu), sinh viên để cùng tham gia và thực hiện tốt;
- Chỉ đạo và tổ chức xét chọn danh hiệu NGND và NGƯT theo đúng Thông tư số 07/2012/TT-BGDĐT ngày 17/2/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn;
- Quy trình xét chọn danh hiệu NGND, NGƯT phải đảm bảo nguyên tắc: công khai, khách quan, phát huy tinh thần dân chủ của cán bộ, giáo viên trong việc giới thiệu và xét chọn vinh dự nhà giáo;
2. Đối tượng xét tặng
Các giảng viên trong Nhà trường; Các cán bộ quản lý giáo dục: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Cán bộ, công chức công tác tại các phòng, ban, viện, trung tâm, công ty của Nhà trường; Các Nhà giáo của Trường đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia công tác giảng dạy, quản lý (cán bộ, giáo viên, giảng viên cơ hữu) tại cơ sở giáo dục ngoài công lập.
3. Tiêu chuẩn xét tặng
3.1. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NGND
3.1.1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan và nơi cư trú.
3.1.2. Có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tụy với nghề; gương mẫu, thực sự là tấm gương sáng cho người học và đồng nghiệp noi theo; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đơn vị trở thành Tập thể lao động xuất sắc; đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú từ 6 năm trở lên tính đến năm đề nghị; tiếp tục đạt thành tích cao sau khi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú với một trong các hình thức khen thưởng hoặc danh hiệu sau đây: Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Huân chương Lao động, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc trở lên; Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước;
Có tài năng sư phạm xuất sắc, có uy tín lớn và ảnh hưởng trong ngành và trong xã hội, là nhà giáo đầu đàn tiêu biểu được đồng nghiệp thừa nhận, là nhà giáo mẫu mực được học trò và nhân dân kính trọng, có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học:
- Giảng dạy đạt chất lượng và hiệu quả cao, có nhiều học sinh giỏi, sinh viên giỏi, có đóng góp phát hiện và bồi dưỡng học sinh, sinh viên tài năng, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.
- Có sáng kiến, giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng rộng rãi trong công tác giảng dạy, giáo dục hoặc quản lý giáo dục được Hội đồng khoa học cấp tỉnh, bộ, cấp Nhà nước xếp loại, tính từ sau năm được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Cụ thể:
* Đối với giảng viên: chủ biên 02 giáo trình (hoặc chủ biên 01 giáo trình và tham gia biên soạn 02 giáo trình) đã được xuất bản; có 03 bài báo khoa học đăng trong nước hoặc quốc tế; chủ trì 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, bộ hoặc 02 nhánh đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đã ứng dụng có hiệu quả trong giảng dạy, được Hội đồng khoa học cấp tỉnh, bộ, cấp Nhà nước đánh giá, nghiệm thu, xếp loại tốt (loại A). Hướng dẫn chính ít nhất 03 nghiên cứu sinh, trong đó có 02 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hoặc hướng dẫn ít nhất 05 học viên cao học đã bảo vệ thành công.
* Đối với cán bộ quản lý giáo dục: chủ trì 02 đề tài nghiên cứu khoa học được Hội đồng khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, cấp nhà nước nghiệm thu, xếp loại tốt (loại A), được ứng dụng có hiệu quả trong công tác; đã chủ trì hoặc tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy định tổ chức, hoạt động, thực hiện có hiệu quả công cuộc đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục góp phần làm cho đơn vị thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ và đạt thành tích xuất sắc. Đối với cán bộ quản lý là cấp trưởng hoặc cấp phó thì tập thể, đơn vị do cán bộ đó quản lý, chỉ đạo phải đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc ít nhất 02 năm liền kề với năm đề nghị phong tặng.
3.1.3. Có thời gian trực tiếp giảng dạy từ 20 năm trở lên. Đối với cán bộ quản lý giáo dục thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp giảng dạy.
3.2. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NGƯT
3.2.1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan và nơi cư trú.
3.2.2. Có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, thương yêu, chăm sóc, giáo dục học trò; gương mẫu, thực sự là tấm gương sáng cho người học và đồng nghiệp noi theo, được người học, đồng nghiệp, nhân dân kính trọng. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có đóng góp trong việc xây dựng đơn vị, trường học trở thành Tập thể lao động xuất sắc; có ít nhất 7 năm là chiến sĩ thi đua cơ sở trong đó có 3 năm liên tục liền kề năm đề nghị xét tặng danh hiệu nhà giáo và có ít nhất 01 lần được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp bộ hoặc được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, hoặc 3 lần được tặng Bằng khen của tỉnh, bộ;
Có tài năng sư phạm, có công lớn trong sự nghiệp giáo dục, giảng dạy đạt chất lượng tốt, hiệu quả cao, có nhiều sinh viên giỏi; có cải tiến hoặc sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng đạt hiệu quả trong công tác giảng dạy, giáo dục hoặc quản lý giáo dục được Hội đồng khoa học các cấp đánh giá, xếp loại cụ thể như sau:
* Đối với giảng viên:
- Giảng dạy, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, thực tập đạt chất lượng và hiệu quả cao; có đóng góp trong đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục;
- Chủ biên 01 giáo trình hoặc tham gia biên soạn ít nhất 02 giáo trình được đưa vào giảng dạy và đã được xuất bản hoặc là tác giả của 02 sách chuyên khảo; có ít nhất 05 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước; chủ trì 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp tỉnh hoặc nhánh đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh, bộ, cấp nhà nước đánh giá, xếp loại khá (loại B); hướng dẫn ít nhất 02 nghiên cứu sinh, trong đó có 01 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hoặc hướng dẫn ít nhất 05 học viên cao học đã bảo vệ thành công;
- Có đóng góp xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên dạy giỏi của chuyên ngành, của Trường;
- Có đóng góp trong việc hướng dẫn sinh viên, học viên cải tiến phương pháp học tập; tích cực nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao, có sinh viên giỏi.
* Đối với cán bộ quản lý giáo dục:
- Chủ trì ít nhất 02 giải pháp hoặc 02 sáng kiến hoặc 02 đề tài nghiên cứu khoa học trong thời gian làm cán bộ quản lý (hoặc 01 trong thời gian trực tiếp giảng dạy và 01 trong thời gian quản lý) có tác dụng đổi mới phương pháp giảng dạy và công tác quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý được Hội đồng khoa học cấp tỉnh, bộ đánh giá, xếp loại khá (loại B) trở lên và đã tham mưu, chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy định hoạt động, tổ chức nhằm thực hiện có kết quả công cuộc đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục, góp phần xây dựng đơn vị đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Thực sự là tấm gương sáng để đồng nghiệp noi theo, học tập;
- Đối với cán bộ quản lý, lãnh đạo cấp trưởng hoặc cấp phó thì tập thể, đơn vị do cán bộ đó quản lý, chỉ đạo phải đạt danh hiệu Tập thể lao động tiến tiến ít nhất 03 năm liền kề với năm đề nghị phong tặng (trong đó có 01 năm đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc).
3.2.3. Có thời gian trực tiếp giảng dạy từ 15 năm trở lên đối với giảng viên. Đối với cán bộ quản lý giáo dục thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp giảng dạy.
4. Hội đồng xét tặng NGND, NGƯT
Hội đồng Trường (Hội đồng cấp cơ sở): Hiệu trưởng là Chủ tịch Hội đồng, một Phó Hiệu trưởng và Chủ tịch công đoàn Trường là Phó Chủ tịch Hội đồng, Trưởng các cơ quan chức năng có liên quan thuộc Trường; đại diện lãnh đạo, chuyên viên phụ trách công tác thi đua, khen thưởng; đại diện nhà giáo tiêu biểu hoặc Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
- Hội đồng Trường do Hiệu trưởng ra quyết định thành lập, giúp việc cho Hội đồng Trường có một tổ thư ký do Chủ tịch Hội đồng ra quyết định thành lập.
- Hội đồng Trường xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đối với nhà giáo được cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị tín nhiệm và giới thiệu.
- Các cuộc họp của Hội đồng được coi là hợp lệ khi ít nhất có sự tham dự của 2/3 số thành viên của Hội đồng có tên trong quyết định, trường hợp vắng mặt thành viên Hội đồng phải xin phép chủ tịch Hội đồng và gửi lại ý kiến bằng phiếu bầu.
- Hội đồng Trường hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị lên Hội đồng cấp bộ xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đối với các nhà giáo có số phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng từ 90% trở lên so với tổng số thành viên Hội đồng có tên trong quyết định.
- Hội đồng không xem xét đối với các trường hợp khai hồ sơ không đúng quy định, hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ hoặc nộp hồ sơ không đúng tuyến trình và không đúng thời gian quy định.
5. Cách tiến hành
- Thủ trưởng đơn vị tổ chức cuộc họp liên tịch giữa Đảng, chính quyền, Công đoàn, Đoàn Thanh niên (nếu có) của đơn vị để phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức và sinh viên trong đơn vị tiêu chuẩn xét chọn danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú quy định tại Thông tư số 07/2012/TT-BGDDT ngày 17/2/2012 và quy định trong thông báo này.
- Trên cơ sở nắm vững đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình xét chọn, tổ chức cho cán bộ, giáo viên tự giới thiệu và giới thiệu công khai những người có đủ tiêu chuẩn. Các nhà giáo làm hồ sơ đăng ký xét tặng của cá nhân theo mẫu.
- Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị trao đổi thành tích, công lao của từng người, so sánh, đối chiếu với tiêu chuẩn và bỏ phiếu tín nhiệm. Đối với các khoa, bỏ phiếu tín nhiệm còn có sự tham gia của giảng viên của khoa làm việc kiêm nhiệm trong các đơn vị khác trong trường và đại diện sinh viên trong khoa (Liên chi hội trưởng sinh viên của khoa). Kết quả kiểm phiếu tín nhiệm được công bố công khai trong đơn vị.
- Các nhà giáo được các đơn vị đưa vào danh sách xét chọn gửi lên Hội đồng Trường là những người phải đạt từ 80% số phiếu tín nhiệm trở lên so với số người của đơn vị và các thành phần tham gia theo quy định (Trừ những người đi công tác nước ngoài).
6. Tổ chức thực hiện
- Các đơn vị triển khai nội dung Thông tư số 07/2012/TT-BGDĐT ngày 17/12/2112 và Thông báo này đến toàn thể nhà giáo (kể cả các nhà giáo đã nghỉ hưu) và tổ chức cho toàn thể cán bộ, viên chức họp, giới thiệu và bỏ phiếu tín nhiệm; gửi danh sách giới thiệu của đơn vị kèm bản thành tích cá nhân của những người đủ tiêu chuẩn về Hội đồng xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT Trường (qua phòng Tổ chức cán bộ) trước ngày 16/3/2012. (Các đơn vị tổ chức giới thiệu cần đăng trên lịch công tác của Trường).
- Hội đồng Trường họp tiến hành bước sơ duyệt trước ngày 27/3/2012;
- Công bố kết quả sơ duyệt và tổ chức thăm dò dư luận từ ngày 28/3/2012 đến ngày 4/4/2012;
- Hội đồng Trường họp tiến hành bỏ phiếu tán thành trước ngày 10/4/2012;
- Hoàn chỉnh hồ sơ, văn bản gửi báo cáo về Hội đồng xét tặng Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 18/4/2012.
* Hồ sơ các đơn vị cần hoàn thành
Hồ sơ cá nhân :
- Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú (mẫu 2).
- Bản sao giấy chứng nhận sáng kiến, giải pháp, giáo trình (trang bìa có ghi tên tác giả và Nhà xuất bản), biên bản nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học (tên và mục lục bài báo đăng trên tạp chí hoặc kỷ yếu Hội nghị quốc tế) và chứng nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng có liên quan đến tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
Hồ sơ của các đơn vị đề nghị lên Hội đồng Trường:
- Biên bản họp toàn thể CBVC họp giới thiệu và bỏ phiếu tín nhiệm (mẫu 1.3.a)
- Danh sách đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú ( mẫu 1.2)
- Tóm tắt thành tích cá nhân đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú (mẫu 1.4)
Vì ý nghĩa to lớn của vinh danh danh hiệu nhà giáo, Hiệu trưởng yêu cầu các đơn vị triển khai việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT đạt kết quả tốt và đúng thời gian quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện, có gì vướng mắc đề nghị liên hệ với Phòng Tổ chức cán bộ theo số điện thoại 04.62617610 để được giải đáp; các văn bản, mẫu biểu được đăng tải trên website của Phòng Tổ chức cán bộ tại địa chỉ: http://www.hua.edu.vn/tccb (mục Thi đua khen thưởng, Danh hiệu, )./.
HIỆU TRƯỞNG
PGS.TS. Trần Đức Viên (đã ký)
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, TCCB.
1. Thông báo số 156/TB-NNH ngày 01/3/2012
2. Mẫu số 2: mẫu 2
3. Mẫu số 1.3.a: mẫu 1.3.a
4. Mẫu 1.2 và Mẫu 1.4: mẫu 1.2 và mẫu 1.4
5. Thông tư số 07/2012/TT-BGDĐT
6. Danh sách các Quyết định công nhận danh hiệu thi đua cơ sở từ năm 1995 đến năm 2011