Những "cây đa, cây đề" đều được kéo dài thời gian công tác; Những cán bộ quản lý, dù không có học hàm học vị, không trực tiếp nghiên cứu giảng dạy đều được "ở lại". Vấn đề "tham quyền cố vị" tại Bộ GĐ-ĐT và các cơ quan thuộc Bộ đang trở thành tệ nạn.
Ai có chức vụ cũng được ở lại
Cuộc thanh tra do Bộ Nội vụ tiến hành phát hiện những kỷ lục đáng buồn về vấn đề kéo dài thời gian công tác và thực hiện chế độ nghỉ hưu tại Bộ GD-ĐT.
Số cán bộ, viên chức nghỉ hưu khi đã quá tuổi chiếm tỷ lệ rất cao. Trong số 873 trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT thì có đến 499 trường hợp quá từ vài tháng đến dưới 10 năm (chiếm 57,15%). Trong số 869 trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, cũng có tới 215 trường hợp quá từ một vài tháng đến dưới 10 năm (chiếm gần 25%). Như vậy, trong tổng số 1.742 trường hợp đã được ngành GD-ĐT giải quyết chế độ nghỉ hưu, số nghỉ hưu khi đã quá tuổi quy định chiếm tới 41% ). Số ngày phần lớn thuộc diện Bộ GD-ĐT quản lý (tập trung nhiều nhất ở khối cơ quan Bộ và ĐHBK Hà Nội).
Ngoài việc nể nang “thầy – trò” thì trong ngành cũng còn biểu hiện của tư tưởng “cây đa, cây đề” của một số nhà khoa học, nhà quản lý đầu ngành và lĩnh vực.
Thanh kiểm tra việc kéo dài thời gian công tác, cơ quan chức năng phát hiện ngay tại một cơ quan thuần túy thực hiện chức năng quản lý như Bộ GD-ĐT thì hầu như bất kỳ ai có học hàm, học vị, có chức vụ đều được kéo dài thời gian công tác và hầu hết các trường hợp được kéo dài thời gian công tác cũng chỉ làm công tác quản lý chứ không trực tiếp tham gia công tác giảng dạy. Trong số 313 trường hợp kéo dài thời gian công tác thuộc thẩm quyền quyết định của thủ trưởng cơ quan, tổ chức thuộc Bộ thì có tới gần 20% được kéo dài không đúng về đối tượng.
Kết quả thanh tra cho thấy, việc kéo dài thời gian công tác hầu hết là để được tiếp tục phong học hàm cao hơn; hoặc được nâng ngạch lên chuyên gia cao cấp, giảng viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp hoặc để nâng bậc lương cao hơn. Tại ĐH Đà Nẵng, có một trường hợp sau khi đã có thông báo nghỉ hưu, có quyết định của lãnh đạo Bộ GD-ĐT nâng sớm một bậc lương để nghỉ hưu nhưng sau đó lại có quyết định phong hàm phó giáo sư nên cá nhân này có văn bản gửi Bộ và trường từ chối các quyết định này và đề nghị kéo dài thời gian công tác dù bộ môn, khoa, trường đều không đồng ý cho người đó ở lại.
Thanh tra Bộ Nội vụ đã làm phép so sánh một số trường hợp có cùng bằng cấp, học hàm, học vị và thời gian công tác ở ĐH Mỏ Địa chất thì thấy rằng người không kéo dài thời gian công tác hàng tháng chỉ lĩnh hơn 2 triệu đồng lương hưu, còn người kéo dài thời gian công tác thì sau 5 năm được nhận lương hưu gần 3 triệu đồng/tháng (chưa kể các quyền lợi khác).
Trong khi đó, với nhóm đối tượng là những người đang trực tiếp làm việc, có năng suất, hiệu quả, theo đúng chuyên môn; những người có trình độ chuyên môn cao, có uy tín..., Thanh tra nhận xét: Không một cơ quan, tổ chức nào của Bộ GD-ĐT thực hiện kéo dài thời gian công tác đối với nhóm này. Họ đã bị chiếm chỗ bởi những người dốt hơn nhưng có chức vụ quản lý.
Bộ chưa nghỉ thì trường cũng chưa nghỉ
- Việc kéo dài thời gian công tác đã trở thành mảnh đất tốt cho nhiều cá nhân trục lợi cho riêng mình chứ không phải toàn tâm, toàn ý tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp của ngành giáo dục (Nhận xét của Bộ Nội vụ).
- Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiên quyết thực hiện đúng chế độ nghỉ hưu và kéo dài thời gian công tác đối với tất cả các trường hợp vi phạm; Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và kiến nghị biện pháp xử lý nghiêm đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm.
(Đại đoàn kết) |
Trong những năm qua, hầu như Bộ GD-ĐT chưa chú trọng ban hành các văn bản đôn đốc thực hiện nghiêm túc chế độ nghỉ hưu. Chính cơ quan Bộ lại là nơi thực hiện chế độ này yếu nhất, với số lượng nhiều và điển hình: Trong số 112 cán bộ, viên chức khối cơ quan Bộ đã nghỉ hưu từ tháng 10-2002 đến tháng 9-2007, 100% đều vi phạm về thời gian.
Vì khối cơ quan Bộ không gương mẫu nên nhiều cơ quan, tổ chức trực thuộc cũng không thực hiện nghiêm chỉnh vì “Bộ chưa nghỉ thì trường cũng chưa nghỉ”. Do đó, tại các trường ĐH, các trường hợp được kéo dài thời gian công tác cũng chỉ thuần túy làm công tác quản lý chứ không trực tiếp tham gia công việc nghiên cứu, giảng dạy.
Tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, những người giữ bất kỳ chức vụ quản lý, lãnh đạo nào của trường cũng đều được kéo dài thời gian công tác. Rất nhiều trong số đó không hề có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ, thậm chí nhiều trường hợp còn không tham gia trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy. Tại ĐH Thái Nguyên, 19% số hồ sơ kiểm tra có vi phạm về đối tượng kéo dài tuổi nghỉ hưu, kéo dài chỉ để làm công tác quản lý.
Việc nghỉ hưu không đúng quy định đã để lại hậu quả không nhỏ về kinh tế và pháp lý. Mỗi năm, Bộ GD-ĐT phải chi một khoản tiền khá lớn để trả lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách khác cho đối tượng đến tuổi nhưng chưa về hưu. Do đó, số tiền bị BHXH chiếm dụng hàng năm là rất lớn. Vấn đề tham quyền cố vị, về mặt pháp lý, tạo ra tâm lý và ý thức coi thường pháp luật, ảnh hưởng đến việc ổn định và sắp xếp bộ máy, biên chế cũng như hiệu quả quản lý và hoạt động của chính Bộ.
(Theo Đại đoàn kết)