- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) Trần Kim Tự nhìn nhận như vậy khi trao đổi chiều 14/3 xung quanh những kết luận của Đoàn thanh tra Bộ Nội vụ về nạn "tham quyền cố vị" ở Bộ GD-ĐT....
|
Ông Trần Kim Tự |
Kéo dài công tác do...cả nể!
Các nguyên nhân từ kết luận của Đoàn thanh tra Bộ Nội vụ đưa ra đều có tác động lẫn nhau. Hiện chúng tôi đang chấn chỉnh. Trong số các nguyên nhân chủ quan và khách quan còn có nhiều nguyên nhân liên quan đến hồ sơ.
Về lịch sử, Bộ GD-ĐT sát nhập từ nhiều đơn vị (trước là Bộ GD sau đó sát nhập Uỷ ban Bảo vệ chăm sóc bà mẹ Trẻ em; rồi Bộ ĐH và TCCN thành một Bộ GD-ĐT). Cho nên, vấn đề hồ sơ gây ra nhiều trở ngại.
Cụ thể, năm 1978, Bộ GD-ĐT có 1 cuộc vận chuyển hồ sơ vào cơ sở 2; sau đó lại vận chuyển trở ra Hà Nội. Trong quá trình vận chuyển cũng bị thất lạc hồ sơ. Dù không nhiều nhưng không lưu nên cũng gây ảnh hưởng.
Tiếp nữa là cán bộ khi về công tác tại các cơ sở giáo dục cũng từng chuyển nhiều nơi. Đặc biệt đối tượng cán bộ đến tuổi cấp chế độ chính sách đã từng chuyển nhiều nơi nên cũng có thất lạc.
Mặt khác, cán bộ trực tiếp làm công tác giải quyết chế độ chính sách ở Bộ GD-ĐT cũng luân chuyển qua nhiều người; Quy trình xử lý cũng mất thời gian tiếp cận...cho nên có những trường hợp đến giai đoạn giao thời cũng gây ra chậm trễ.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cho phép nếu bị thất lạc hồ sơ thì được dùng hồ sơ Đảng viên để xét cấp chế độ chính sách. Hiện, để làm công việc này Bộ GD-ĐT đã thành lập 1 tổ gồm Vụ TCCB, Phòng Kế toán, Văn thư lưu trữ...xử lý những vấn đề liên quan đến hồ sơ, thủ tục.
- Ngoài việc thất lạc hồ sơ, cũng có những trường hợp chậm nghỉ hưu, kéo dài thời gian công tác để chờ nâng bậc, nâng lương...thì trách nhiệm thuộc về đâu?
Vấn đề này phải có thời gian tìm hiểu kỹ từng trường hợp cụ thể. Nhưng tôi vẫn khẳng định kết luận của Bộ Nội vụ là chính xác. Tuy nhiên cũng có trường hợp này, trường hợp khác nhưng đi sâu vào cụ thể thì sẽ có những nguyên nhân riêng.
Ví như, trong kết luận thanh tra cũng có đề cần đến vấn đề cả nể của cơ sở. Ví như: trước đây thầy hướng dẫn học trò, giờ học trò thay thế vị trí thầy nên có tâm lý nể nang...nên có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Đó là tư tưởng cả nể, tất nhiên không phải phổ biến nhưng có xảy ra chuyện "cây đa, cây đề" ở một số trường.
- Còn ở Bộ có sự nể nang?
Ở Bộ không có những "cây đa, cây đề". Tôi xin khẳng định, ở Bộ GD-ĐT chỉ có một trường hợp có văn bản cho kéo dài thời gian công tác. Vì tế nhị không muốn nêu tên.
Đúng độ tuổi được kéo dài chỉ làm chuyên môn
- Cũng nhiều ý kiến bàn tán trường hợp nguyên Trưởng ban điều hành đề án 322, đã nghỉ hưu không cần thiết phải kéo dài thêm thời gian công tác. Ông có nghe thông tin này?
Trường hợp này đang làm chuyên môn và không làm quản lý ở Đề án 322 nữa.
- Một luồng thông tin nữa, đối với những cán bộ của Bộ GD-ĐT đã đến tuổi hưu nếu khéo chạy thì có thể được chuyển sang làm dự án?
Điều tôi có thể khẳng định là không ai chạy chọt để sang làm dự án cả. Một cán điều hành dự án phải là người có năng lực. Chứ không thì tình trạng hiện nay cái ODA là chậm. Như vậy những cán bộ làm dự án là được tuyển chọn kỹ. Còn khi ai đó chuẩn bị nghỉ hưu mà có năng lực chuyên môn thì cũng có thể được chuyển sang làm dự án nhưng chỉ làm đến khi nghỉ hưu. Sau đó sẽ đấu thầu, tuyển chọn chuyên gia...chứ không còn trong biên chế để đi làm dự án khi đã đến tuổi nghỉ hưu.
Bắt đầu từ tháng 10/2006, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân là phải tập trung người và thời gian là phải giải quyết nghỉ hưu theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ. Nghĩa là đến tuổi là nghỉ, nếu đúng độ tuổi kéo dài thì chỉ làm chuyên môn không làm quản lý.
Năm 2004 có trường hợp nghỉ hưu ở Bộ có trường hợp nghỉ hưu được kéo dài công tác đến năm 65 tuổi nên được chuyển xuống trường làm công tác chuyên môn giảng dạy ở Trường ĐH Bách khoa...
Đến 31/3 chúng tôi sẽ trao sổ nghỉ hưu cho 59 người; trong đó, có một số nhận quyết định nghỉ hưu từ 1/3; cũng có trường hợp nhận quyết định 1/11/2007.
- Những trường hợp chờ sổ hưu, trong thời gian đó có làm việc và hưởng lương như trước?
Không, họ không làm gì. Lương chỉ hưởng theo ngạch bậc, còn phụ cấp trách nhiệm thì không. Họ đã bàn giao công việc hết rồi. Các cơ sở giáo dục thì vẫn còn một số trường hợp vẫn làm công tác quản lý, nhưng quản lý chuyên môn, những chức danh chuyên môn thôi.
Sẽ giám sát chặt hơn
- Việc kéo dài thời gian công tác có cản trở việc sử dụng cán bộ trẻ?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long: Việc ký quyết định kéo dài thêm thời gian công tác cho cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo trình tự theo đúng quy định hiện hành. Những trường hợp không thực hiện đầy đủ quy định khi xem xét kéo dài thêm thời gian công tác được coi là không đủ điều kiện để kéo dài thêm, cho nên không được thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về các trường hợp đó. |
Không cản trở. Chỉ có điều, tận dụng với cái tâm cái đức thì đây là lúc thầy không có sức ép, lại có kinh nghiệm, thì họ là người dành nhiều tâm huyết nhất. Sử dụng đúng thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu vi phạm thì mới đáng bàn. Ví dụ, thầy có chức danh, học hàm học vị nhưng lại không đúng với ngành mình cần người mà ksy quyết định, lúc đó là sai.
Thực tế, Bộ GD-ĐT không thể giám sát hết được. Bộ chỉ thanh tra điểm chứ không thể đủ người để đi kiểm tra từng trường. Nhưng hàng năm, thường xuyên chỉ đạo đôn đốc bằng văn bản...Qua việc trao đổi hằng ngày đều có nhắc nhở. Chắc chắn thời gian tới chúng tôi sẽ giám sát chặt hơn về vấn đề này.
- Ngoài những trường hợp kéo dài thời gian công tác có trường hợp nào ở Bộ GD-ĐT nộp đơn xin nghỉ việc không, thưa ông?
Cũng có vài ba trường hợp. Những người xin nghỉ việc chủ yếu vì lý do cá nhân, cũng có trường vì gia đình chuyển đi. Nhưng cũng có trường hợp xin nghỉ vì nghĩ ngồi trong cơ quan nhà nước như bị "bó chân" ấy. Trường hợp này là 1 chuyên viên Vụ Giáo dục trung học.
- Xin cảm ơn ông!