- Đào thải công chức yếu kém chính là cách tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng, giữ chân người có năng lực trong bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, đây vẫn là hiện tượng "xưa nay hiếm" tại Việt Nam.
Trao đổi giữa VietNamNet và TS Trần Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Công chức, viên chức - Bộ Nội vụ, Trưởng ban biên tập dự Luật Công vụ về vấn đề này trong việc xây dựng dự luật trên.
TS Tuấn nói: “Trước hết phải xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể mức độ hoàn thành công việc của công chức. Thứ nhất, đánh giá gắn với kết quả thực thi công vụ. Thứ hai, đánh giá tiến độ, chất lượng làm việc, công tác lúc thực thi công vụ”.
Đánh giá công chức nhiều lần/năm
|
Ông Trần Anh Tuấn. (ảnh: PC) |
- Thưa ông, Điều 62 của dự Luật Công vụ có quy định công chức hai năm liên tiếp bị đánh giá ở mức độ yếu thì giải quyết cho thôi việc. Hai năm liệu có quá dài, dẫn tới sự trì trệ của công chức và bộ máy?
- Đối với công chức chưa hoàn thành nhiệm vụ có thể đóng góp, uốn nắn, giúp đỡ hoàn thành. Chỉ xử lý kỷ luật trong trường hợp công chức sai phạm. Trong xử lý kỷ luật có nhiều tầng nấc khác nhau, từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, đến mức độ cao nhất là giải quyết thôi việc.
Sau khi lấy ý kiến rộng rãi về dự luật, nếu dư luận cho rằng thời gian hai năm như trên là quá dài, thì dự luật sẽ được điều chỉnh lại.
Tuy nhiên, nếu công chức sai phạm chỉ một lần mà bị đưa ra khỏi bộ máy thì nặng quá.
- Tại sao không quy định đánh giá cán bộ, công chức nhiều lần trong năm thay vì mỗi năm chỉ đánh giá một lần dẫn tới kéo dài thời gian, thưa ông?
- Nếu đưa ra quy định công chức bị đánh giá yếu trong một năm phải chịu thôi việc thì một năm phải chia ra nhiều lần đánh giá. Có thể 6 tháng đánh giá công chức một lần.
Tôi không đồng tình với cách đánh giá thông qua tập thể bỏ phiếu. Đó là cách đánh giá theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung trước đây. Cách này không gắn với trách nhiệm của người được hỏi ý kiến. Cách này cũng khiến người thẳng thắn, có chính kiến riêng dễ bị tập thể đánh giá không tốt. Có trường hợp được đề cử là chiến sĩ thi đua mà không ai phản đối, nhưng khi đưa phiếu ra thì nhiều người chấm là không hoàn thành nhiệm vụ (!).
Việc đánh giá phải do người sử dụng công chức thực hiện, bởi vì chỉ có người phân công nhiệm vụ mới hiểu người được giao nhiệm vụ hoàn thành ở mức độ nào.
Người phụ trách trực tiếp đánh giá
- Tuy vậy, có ý kiến cho rằng, nếu chỉ dựa trên đánh giá công chức của người phụ trách, người đứng đầu thì không đủ cơ sở?
Bộ máy Nhà nước "chết cứng" |
Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM: “Bộ máy Nhà nước hiện nay "chết cứng", vào khó, ra khó. Ở nhiều cơ quan, công chức “lèng èng” phải chiếm tới khoảng 1/3. Cần có cơ chế để liên tục chọn được người có năng lực và đào thải những người không đáp ứng được yêu cầu. Thời hạn hai năm công chức bị đánh giá yếu mới chịu giải quyết thôi việc là quá lâu”. |
- Chính phủ đã ban hành Nghị định 158 về chế độ trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan Nhà nước. Nghị định đã quy định khi cơ quan, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Quy định này khiến người đứng đầu phải đánh giá đúng để phát huy năng lực của công chức.
- Hiện nay, các cơ quan Nhà nước vẫn chưa áp dụng chế độ hợp đồng đối với công chức - chế độ tạo sức ép làm việc cho công chức và tạo sự dễ dàng hơn trong việc sa thải những công chức không đạt yêu cầu. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Vấn đề đó đang gây tranh cãi. Một số nhà khoa học, đại biểu Quốc hội muốn có sự ổn định trong đội ngũ công chức nên nghiêng về phía không thực hiện hợp đồng. Ban soạn thảo và Chính phủ muốn thực hiện hợp đồng với một số vị trí từ ngạch chuyên viên trở xuống.
Tuy vậy, chúng tôi chưa có đủ luận giải thuyết phục cho tính ưu việt của chế độ hợp đồng trong cơ quan Nhà nước. Cần nghiên cứu thêm.
Thi tuyển cạnh tranh
|
Tạo sự linh hoạt cho môi trường Nhà nước là yêu cầu quan trọng hiện nay. (ảnh: PC) |
- Dư luận nhiều lần lên tiếng về việc thi tuyển cạnh tranh một số chức danh trong bộ máy Nhà nước, thay vì bổ nhiệm. Ban soạn thảo có hướng tới xây dựng quy định rõ về vấn đề này?
- Thi là biện pháp rất tốt nhằm chọn người đạt tiêu chuẩn ngồi vào các vị trí thực thi công vụ. Ngay từ thời phong kiến, thi rồi mới bổ nhiệm làm quan.
Mô hình này đang được thí điểm. Chúng tôi sẽ xây dựng thành nghị định sau khi luật được trình lên Quốc hội.
- Theo ông, việc thi công chức hiện nay ổn chưa? Cần điều chỉnh gì về cách thi?
- Thi công chức hiên nay chưa ổn, vì mỗi nơi thi một cách. Bây giờ, Nhà nước cần quản lý chất lượng đề thi. Phải có ngân hàng đề thi chung, và rọc phách bài thi để đảm bảo công bằng.
-
Phạm Cường (thực hiện)
Ý kiến của bạn?