Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và coi trọng công tác giáo dục và đào tạo. Ngay từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, phát triển giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X tiếp tục khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, phát triển giáo dục và đào tạo là một động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Trong những năm qua, mặc dù điều kiện đất nước và ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, Nhà nước vẫn quan tâm dành một tỷ lệ ngân sách đáng kể để đầu tư cho giáo dục. Với nguồn ngân sách đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế nước ta đã chuyển sang cơ chế thị trường được 20 năm, đã hình thành các cơ sở giáo dục ngoài công lập ngày một tăng, thì cơ chế tài chính giáo dục thực tế vẫn chưa có thay đổi về chất so với thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp. Việc quản lý ngân sách giáo dục rất phân tán: các địa phương quản lý 74% ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hàng năm, các bộ, ngành khác 21%, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý 5%. Các địa phương, các bộ, ngành không có báo cáo về tình hình và hiệu qủa sử dụng ngân sách giáo dục cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo không đủ điều kiện để đánh giá hiệu quả đầu tư của nhà nước cho giáo dục trong toàn quốc. Mức chi đầu tư xây dựng cơ bản còn rất thấp so với nhu cầu rất lớn của ngành. Định mức phân bổ ngân sách giáo dục chưa gắn chặt với các tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo (đội ngũ nhà giáo, điều kiện về cơ sở vật chất...), chưa làm rõ trách nhiệm chia sẻ chi phí đào tạo giữa nhà nước và người học ở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, về cơ bản vẫn mang nặng tính bao cấp và bình quân. Việc phân bổ ngân sách cho giáo dục chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, thiếu cơ sở khoa học xây dựng mức chi và đơn giá chuẩn. Việc giao kế hoạch thu chi ngân sách hằng năm chưa gắn với kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn của ngành, gây khó khăn cho việc chủ động sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, chế độ, chính sách và cân đối giữa nhu cầu chi với khả năng nguồn lực tài chính công. Chế độ học phí xây dựng từ 11 năm trước chưa thay đổi. Mức học phí quá thấp, dưới khả năng chi trả của người dân ở các vùng đô thị, không phù hợp với mặt bằng giá cả cùng với chính sách cải cách tiền lương trong những năm qua. Qua thực tế, một số chính sách về miễn, giảm học phí và học bổng hiện nay đã thể hiện là không còn hợp lý. Các cơ sở giáo dục phải tự thực hiện việc miễn, giảm học phí mà lẽ ra, đây là trách nhiệm của Nhà nước về chính sách xã hội. Việc miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm mà không gắn với việc sau khi ra trường có việc làm trong hệ thống giáo dục hay không là chưa hợp lý. Thiếu cơ chế hỗ trợ học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc địa bàn của chương trình 135. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính trong các cơ sở giáo dục công lập nhìn chung còn hạn chế về tác dụng. Với nguồn ngân sách cấp hàng năm còn hạn hẹp (bình quân 3,7 triệu đồng/sinh viên đại học/năm 2006) và mức thu học phí rất thấp và cố định nhiều năm (1,8 triệu đồng/sinh viên/năm) các cơ sở giáo dục không có đủ nguồn lực để bổ sung thu nhập cho giáo viên khi thực hiện chính sách tăng lương và tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Việc huy động đóng góp của nhân dân cho các trường không kiểm soát được. Xã hội hoá giáo dục còn nhiều hạn chế.
Trước những bất cập kéo dài nói trên và nhu cầu tăng chất lượng và quy mô giáo dục các cấp, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục mầm non, việc đổi mới cơ chế tài chính giáo dục trong thời gian tới là một yêu cầu rất cấp thiết. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014 với các mục tiêu sau đây:
Nội dung chi tiết trong tệp đính kèm.
Đề án đổi mới cơ chế tài chính 2009-2014