II. CHUYÊN VIÊN CHÍNH LƯU TRỮ
1. Chức trách: Là công chức chuyên môn nghiệp vụ lưu trữ trong hệ thống quản lý Nhà nước, quản lý sự nghiệp giúp lãnh đạo phòng nghiệp vụ lưu trữ của Cục Lưu trữ Nhà nước, tổ chức lưu trữ cấp bộ, ngành ở Trung ương và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, chủ trì tổ chức và thực hiện quản lý một phần hoặc toàn bộ lĩnh vực nghiệp vụ lưu trữ thuộc phạm vi thẩm quyền.
Nhiệm vụ cụ thể:
- Chủ trì đề xuất xây dựng kế hoạch, phương án và phát triển công tác lưu trữ và tổ chức chỉ đạo thực hiện các phương án để áp dụng và phạm vi công tác quản lý được phân công hoặc phạm vi toàn quốc.
- Chủ trì tổ chức hoặc tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, quy trình nghiệp vụ, quy trình công nghệ, quy phạm kỹ thuật, các thể lệ quy định, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác lưu trữ.
- Chủ trì tổ chức hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra các đối tượng quản lý trong việc thực hiện các văn bản pháp luật của Nhà nước và các hướng dẫn nghiệp vụ của ngành về công tác lưu trữ. Trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp chỉ đạo, uốn nắn những lệch lạc nhằm tăng cường hiệu lực quản lý thuộc phạm vi thẩm quyền.
- Chủ động tổ chức được sự phối hợp công tác quản lý nghiệp vụ lưu trữ với các ngành liên quan.
- Chủ trì tổng kết, đúc rút kinh nghiệm về lĩnh vực lưu trữ trong phạm vi toàn quốc. Trên cơ sở đó đề xuất cải tiến quản lý nghiệp vụ công tác lưu trữ, tổng hợp báo cáo cấp trên.
- Tổ chức thu thập thông tin, tư liệu, lập hồ sơ quản lý để phục vụ quy trình quản lý đạt hiệu quả cao.
- Chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học về quản lý lưu trữ.
- Chủ trì tổ chức xây dựng nội dung chương trình và biên soạn các tài liệu bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, đồng thời tổ chức bồi dưỡng, phổ biến kinh nghiệm cho công chức, viên chức nghiệp vụ lưu trữ cấp dưới.
2. Hiểu biết:
- Nắm chắc đường lối, chính sách của Đảng và các quy định của Nhà nước và ngành về công tác lưu trữ.
- Nắm vững kiến thức cơ bản về lý luận và thực tiễn công tác lưu trữ.
- Nắm chắc đặc điểm của đối tượng quản lý thuộc phạm vi phụ trách.
- Thành thạo việc xây dựng phương án, đề án quản lý nghiệp vụ lưu trữ và thủ tục hành chính Nhà nước; có năng lực tốt về soạn thảo văn bản.
- Nắm được khoa học quản lý và biết tổ chức lao động khoa học trong quản lý lưu trữ.
- Nắm vững kiến thức về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới. nắm được kiến thức cơ bản về liệu sử học.
- Am hiểu tình hình và xu thế phát triển của công tác lưu trữ trong nước và thế giới. Có năng lực nghiên cứu khoa học.
- Có trình độ tổng hợp nhanh nhạy, thông thạo về tổ chức chỉ đạo, triển khai nghiệp vụ lưu trữ, tổ chức công tác kiểm tra, tổ chức phối hợp và thu hút các cộng tác viên liên quan trong triển khai nghiệp vụ lưu trữ.
3. Yêu cầu trình độ:
- Tốt nghiệp đại học lưu trữ lịch sử trở lên, có thâm niên ở ngạch chuyên viên tối thiểu là 9 năm.
- Qua khóa đào tạo nghiệp vụ hành chính ngạch chuyên viên chính.
- Biết một ngoại ngữ trình độ B (nghe hiểu, đọc, nói thông thường).
- Có công trình khoa học hoặc đề án sáng tạo về lưu trữ được hội đồng khoa học cấp ngành nghiệm thu.