Kính gửi: Các đơn vị trong Trường
Căn cứ Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp (sau đây được viết tắt là Nghị định số 127/2008/NĐ-CP);
Căn cứ Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP;
Căn cứ Công văn số 21/BHXH ngày 18/3/2009 của Bảo hiểm xã hội Huyện Gia Lâm về việc hướng dẫn thực hiện chế độ BHXH, BHYT và thu bảo hiểm thất nghiệp.
Để đảm bảo quyền lợi, chế độ cho cán bộ, viên chức và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp. Nhà trường hướng dẫn một số nội dung về bảo hiểm thất nghiệp như sau:
I. Đối tượng tham gia:
Cán bộ, viên chức tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) gồm:
a) Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng;
b) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
c) Hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng;
d) Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, kể cả những người được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của nhà nước trước Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước.
Những người đang hưởng lương hưu hằng tháng, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
II. Tỷ lệ, phương thức, mức tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp (Theo Điều 25 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP)
a) Người lao động đóng bằng 1% tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;
b) Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
c) Hằng tháng, Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và mỗi năm chuyển một lần.
2. Phương thức đóng bảo hiểm thất nghiệp:
a) Đối với người lao động: Hằng tháng Phòng Tài vụ Trường trích 1% từ tiền lương, tiền công của từng người lao động để đóng bảo hiểm thất nghiệp.
b) Đối với người sử dụng lao động: Hằng tháng Nhà trường đóng 1% quỹ tiền lương, tiền công của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với những đơn vị trong Trường có cán bộ, viên chức hợp đồng lao động do đơn vị tự chi trả tiền lương và có đóng BHXH thông qua Nhà trường thì vào tháng cuối của mỗi quý đơn vị và các cán bộ, viên chức hợp đồng nói trên phải nộp về Nhà trường số tiền mà Nhà trường đã trích nộp (BHXH, BHYT, BHTN).
3. Tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (Điều 27 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP)
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
III. Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp
1. Trợ cấp thất nghiệp;
2. Hỗ trợ học nghề;
3. Hỗ trợ tìm việc làm;
4. Chế độ bảo hiểm y tế;
Chi tiết về các chế độ trên đề nghị đơn vị, cán bộ, viên chức tham khảo tại các văn bản về bảo hiểm thất nghiệp.
IV. Thời điểm áp dụng
Áp dụng chế độ bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.
Trên đây là một số nội dung về chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Nhà trường thông báo và yêu cầu lãnh đạo các đơn vị triển khai nội dung thông báo đến toàn thể cán bộ, viên chức của đơn vị được biết để cùng thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có có vướng mắc đề nghị đơn vị, cán bộ, viên chức phản ảnh kịp thời về Phòng Tổ chức cán bộ để nghiên cứu giải quyết.
Chi tiết các văn bản, nội dung thông báo được đăng tải trên website của Phòng Tổ chức cán bộ: http://www.hua.edu.vn/tccb (Mục Chế độ - Chính sách).
HIỆU TRƯỞNG
PGS.TS. Trần Đức Viên (đã ký)
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, TC, LT(40)
Các văn bản về chế độ Bảo hiểm xã hội